04/01/2021 12:20  
Từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực từ tháng 8-2020, lượng hàng hóa EU nhập vào Việt Nam nhiều hơn.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ tháng 8-2020. Mới đây, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Anh cũng chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 với lộ trình giảm thuế nhập khẩu tương tự như EU. 

Những hiệp định mới này mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam hưởng ưu đãi thuế, gia tăng xuất khẩu vào EU và Anh. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng từ các thị trường này như ô tô, sữa, thực phẩm, hàng hiệu… cũng sẽ tràn vào nước ta. 

Ô tô, hàng hiệu, thực phẩm… vào nhiều hơn 

Từ ngày 1-1-2021, nhiều dòng ô tô xuất xứ từ châu Âu sẽ được giảm thuế nhập khẩu, trong đó có dòng từ mức 70,9% xuống còn 63,8%. Hiện nay đa số các loại xe nhập khẩu từ châu Âu đều nằm trong nhóm các thương hiệu ô tô hạng sang đến siêu sang và siêu xe thể thao.

Có thể điểm danh một loạt thương hiệu ô tô cao cấp đang hiện diện và được ưa chuộng tại Việt Nam như Acura, Audi, BMW, Mercedes, Jaguar, Land Rover, Lexus, Maserati, Volvo; hay các loại siêu xe như Bentley, Mercedes-Maybach, Lamborghini, Rolss-Royce.

Do đó, việc giảm thuế nhập khẩu được cho là sẽ có tác động đáng kể lên mặt bằng giá bán lẻ của nhiều loại xe hạng sang, xe cao cấp. Nhờ đó, người tiêu dùng có cơ hội mua xe tốt, đẹp với giá thấp hơn.

Ông Nguyễn Tuấn, chủ một đại lý kinh doanh ô tô nhập khẩu tại TP.HCM dẫn chứng: Một chiếc xe hạng sang từ châu Âu có giá khai báo hải quan khoảng 2 tỉ đồng đang chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu 70,2%. Nhưng kể từ ngày 1-1-2021, khi thuế suất giảm xuống còn 62,4% (giảm 7,8%), giá bán lẻ của chiếc xe này trên lý thuyết sẽ được giảm khoảng 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế mặt bằng giá bán lẻ ô tô nhập khẩu từ châu Âu, Anh sẽ khó giảm sâu. Lý do nằm ở cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu. “Các dòng xe nhập khẩu từ châu Âu thường có dung tích động cơ lớn 3.0-6.0L hiện đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cao 60%-150%. Chính vì vậy, mức giảm thuế nhập khẩu cũng không kéo giá sản phẩm xuống nhiều” - ông Tuấn phân tích.

Các thương hiệu thời trang đắt tiền nhập từ Anh và châu Âu cũng hưởng lợi khi hiệp định được áp dụng. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - Imexpan Pacific (IPP), cho biết hàng thời trang từ châu Âu vào Việt Nam hiện phải chịu 30% thuế suất thuế nhập khẩu và 10% thuế giá trị gia tăng. Trong khi các thị trường lân cận như Singapore, Hong Kong… nhập hàng châu Âu thuế 0%. Đó cũng là lý do khiến trước đây nhiều người Việt sang các thị trường này để mua hàng hiệu thay vì mua trong nước.

Nhưng khi hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, trong vòng ba năm tới, lộ trình giảm thuế về 0% và Việt Nam có những khu mua sắm phi thuế quan. Đây là cơ hội cho người Việt và khách du lịch đến Việt Nam mua hàng hiệu giá tốt.

Một số đặc sản của các nước châu Âu như thực phẩm chế biến giảm thuế về 0% khi hiệp định có hiệu lực. Ông Ngọc Lâm, giám đốc một công ty kinh doanh thực phẩm nhập khẩu tại TP.HCM, dẫn chứng thuế nhập khẩu gan ngỗng Pháp ở mức 30% giảm về 0%, các sản phẩm thịt nguội và xúc xích Đức thuế nhập khẩu từ 22% về 0%. Vì vậy, gần đây lượng đặt hàng các sản phẩm gan ngỗng Pháp, xúc xích Đức vào cuối năm và dịp lễ, tết tăng. 

Ngoài ra, các đồ nội thất, thiết bị nhà bếp cao cấp từ thị trường châu Âu cũng bắt đầu về Việt Nam tăng vì thuế nhập khẩu giảm mạnh. Ví dụ, bộ đồ nhà bếp từ Đức có thuế 22% nay chỉ còn 10%.

Người Việt được mua hàng châu Âu giá mềm

Người tiêu dùng Việt Nam hiện có thể mua các loại thực phẩm từ châu Âu như táo, lê, thịt gà, bò, heo, sữa… từ châu Âu với giá mềm hơn trước đây. Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nhìn nhận Việt Nam sẽ là thị trường khổng lồ để hàng hóa châu Âu, Anh giá rẻ tràn vào. 

Ví dụ, hiện giá thịt heo nhập khẩu về Việt Nam chỉ 26.000-28.000 đồng/kg, thịt gà còn rẻ hơn. Đặc biệt những sản phẩm chân gà, cánh, đùi…, người tiêu dùng châu Âu không thích ăn sẽ được bán sang Việt Nam ngày càng nhiều với giá rẻ hơn. 

Ông Bình nhận định: “Việc giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm chăn nuôi từ châu Âu sẽ thúc đẩy sự thâm nhập của các sản phẩm này vào Việt Nam. Đồng thời nó cũng làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các sản phẩm chăn nuôi trong nước”.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cũng nhận định các loại nông sản như táo, lê, khoai tây… từ châu Âu vào Việt Nam gia tăng sau khi hiệp định có hiệu lực. Lợi thế của trái cây nhập khẩu là mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, được bao gói lịch sự, bắt mắt, trong đó nhiều loại quả lạ mà Việt Nam không có.

Trước đây, giá bán nhiều loại trái cây nhập khẩu khá cao và không nhiều người tiêu dùng có thể mua thì gần đây giá đã giảm tương đối nhiều nhờ giảm thuế. Từ đó nhiều loại trái cây ngoại đang cạnh tranh mạnh với sản phẩm nội địa.

 “Tuy nhiên, nông sản từ châu Âu vào Việt Nam mang lại cơ hội lựa chọn sản phẩm tốt hơn cho người tiêu dùng trong nước. Điều này cũng buộc trái cây trong nước phải thay đổi cách tiếp thị, bảo quản, chất lượng nhằm tăng sức cạnh tranh trên sân nhà” - ông Nguyên chia sẻ.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


HCM   Hiệp hội   Tập đoàn   Việt Nam   du lịch   thực phẩm   Ô tô  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...