16/01/2021 11:45  
Html">

Hôm 14-1, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo bổ sung Xiaomi và tám công ty khác của Trung Quốc vào danh sách đen vì cho rằng họ có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc. Trước đó, Lầu Năm Góc đã đưa 35 công ty Trung Quốc vào danh sách đen bao gồm các cái tên gây chú ý như Huawei, hãng chip SMIC. Huawei cũng đã bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5-2019 nhằm ngăn cấm các công ty Mỹ cung cấp linh kiện và công nghệ cho hãng này.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh cáo buộc Trung Quốc lợi dụng nguồn vốn đầu tư của Mỹ để phát triển và hiện đại hóa quân đội bằng cách bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư Mỹ trên thị trường chứng khoán Mỹ lẫn nước ngoài. Sắc lệnh này, có hiệu lực vào ngày 11-1, cấm bất kỳ người Mỹ nào nắm giữ chứng khoán của các công ty có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc. Sắc lệnh yêu cầu các nhà đầu tư Mỹ nắm giữ các tài sản như vậy phải bán chúng trước tháng 11-2021.

 

Giới đầu tư Mỹ buộc phải bán cổ phiếu Xiaomi

Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư Mỹ buộc phải bán cổ phiếu Xiaomi trước thời hạn trên. Một số quỹ đầu tư lớn của Mỹ đang nắm giữ cổ phiếu Xiaomi bao gồm Vanguard Group, BlackRock Institutional Trust Company, Wells Capital Management và Geode Capital Management.

 

Giới đầu tư và phân tích ngạc nhiên khi Xiaomi bị đưa vào danh sách đen của Lầu Năm Góc. Kevin Chen, nhà phân tích ở Công ty China Merchants Securities, nói rằng ông bất ngờ khi đón nhận tin tức trên. Paul Triolo, nhà phân tích của Công ty tư vấn rủi ro chính trị  Eurasia Group, nói rằng ông thấy khó hiểu vì Xiaomi bị đưa vào danh sách đen vì công ty này không có mối liên hệ rõ ràng nào với quân đội Trung Quốc. Ông nói: “Tiêu chí danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn không rõ ràng”.

Jeff Pu, nhà phân tích ở Công ty GF Securities, nhận định việc bị đưa vào danh sách đen của Lầu Năm Góc không gây tác động ngay lập tức đối với hoat động kinh doanh của Xiaomi nhưng sẽ hạn chế dòng vốn của Mỹ chảy vào hãng smartphone đang trỗi dậy mạnh mẽ này.

Xiaomi đang đẩy mạnh các tham vọng kinh doanh trên toàn cầu. Vào quí 3-2020,  công ty này lần đầu tiên vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba thế giới, theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Gartner. Xiaomi đang ráo riết đặt mua linh kiện của các nhà cung cấp với hy vọng giành thêm thị phần từ Huawei, vốn đang chứng kiến mảng kinh doanh smartphone suy sụp vì các đòn trừng phạt của Mỹ.

Được thành lập vào năm 2010 và được mệnh danh là ‘Apple của Trung Quốc’, Xiaomi đã xây dựng thương hiệu bằng cách cung cấp các sản phẩm có tính năng và thông số kỹ thuật cao cấp nhưng có giá bình dân. Hãng smartphone này đang đứng đầu ở nhiều thị trường mới nổi bao gồm Ấn Độ.

Xiaomi cũng là một trong một trong những khách hàng lớn của hai hãng chip di động lớn nhất thế giới Qualcomm (Mỹ) và Mediatek (Đài Loan). Mi 11, mẫu smartphone cao cấp mới nhất của Xiaomi, sử dụng chip cao cấp nhất của Qualcomm, Snapdragon 888 5G.

Không giống như Huawei, Xiaomi không bị liệt vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ nên công ty này vẫn có thể tiếp tục mua chip của Qualcomm và sử dụng hệ điều hành Android của Google. Tuy nhiên, giới đầu tư đang lo ngại Xiaomi có thể vào tầm ngắm của Bộ Thương mại Mỹ trong tương lại.

Xiaomi phủ nhận có liên hệ với quân đội Trung Quốc

Tin tức xấu khiến giá cổ phiếu Xiaomi trên Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông giảm hơn 10% trong phiên giao dịch hôm 15-1. Xiaomi ra tuyên bố cho biết công ty chỉ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ phục vụ mục đích thương mại và dân sự đồng thời phủ nhận công ty thuộc sở hữu hoặc nằm dưới quyền kiểm soát quân đội Trung Quốc.

Tuyên bố cho hay: “Công ty không thuộc sở hữu, thuộc quyền kiểm soát hay liên kết với quân đội Trung Quốc”. Xiaomi nhấn mạnh sẽ tiến hành các biện pháp thích hợp để bảo vệ lợi ích của công ty và các cổ đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên chỉ trích động thái nói trên của Mỹ là ‘đàn áp các công ty Trung Quốc’.

Ông cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đang áp dụng ‘tiêu chuẩn kép và ức hiếp’ vì Mỹ cũng có lịch sử lâu đời về mối quan hệ hợp tác giữa quân đội với các công ty dân sự. “Trung Quốc sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc”, ông Triệu Lập Kiên nói.

 

Động thái đưa thêm chín công ty Trung Quốc vào danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ là đòn tấn công mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vào Bắc Kinh trong những tuần cuối cùng của nhiệm kỳ và có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc dưới thời kỳ cầm quyền sắp tới của ông Joe Biden.

“Chính quyền mới có thể sẽ không theo đuổi chính sách hiếu chiến như vậy nhưng cũng có lẽ cũng không sẵn sàng rút lại các chính sách trong kỷ nguyên của Donald Trump như nhiều người kỳ vọng”, Jeffrey Halley, nhà chiến lược thị trường phụ trách châu Á-Thái Bình Dương ở Công ty môi giới ngoại hối Oanda, viết trong thư gửi cho khách hàng hôm 15-1.

Nikkei Asian Review, Bloomberg, WSJ

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Apple   Donald Trump   Huawei   Joe Biden   Trump   Trung Quốc   Tổng thống   chiến lược   dịch vụ   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...