08/12/2020 15:45  

TOSuperTitle"> Thặng dư thương mại trong tháng 11 đạt kỷ lục

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm 7-12, xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai trong tháng 11 đạt 268 tỉ đô la Mỹ, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 2-2018. Mức tăng trưởng này vượt mức dự báo 12% của giới phân tích.

Xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp đồng nhân dân tệ đang neo sát mức cao nhất trong nhiều năm so với đô la Mỹ. Đó là tin tức tốt cho các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh vốn lo ngại đồng bạc xanh suy yếu sẽ làm giả tính cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Nhân dân tệ đã tăng liên tiếp sáu tháng và đang ở mức cao nhất trong hai năm rưỡi qua so với đồng đô la Mỹ.

Trong tháng trước, nhập khẩu của Trung Quốc tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn mức 4,7% trong tháng 10 nhưng đây là tháng tăng trưởng thứ ba liên tiếp. Giới phân tích cho rằng nhu cầu nội địa cải thiện cùng với giá cả hàng hóa cao hơn giúp nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc duy trì đà tăng.

Mức tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu giúp Trung Quốc đạt thặng dư thương mại 75,42 tỉ đô la Mỹ trong tháng 11, mức cao kỷ lục kể từ khi Refinitiv bắt đầu thống kê dữ liệu thương mại hàng tháng của Trung Quốc vào năm 1981. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ cũng vọt lên mức 37,42 tỉ đô la trong tháng trước so với mức 31,37 tỉ đô la trong tháng 10.

Xuất khẩu của Trung Quốc luôn tăng trưởng vượt mức kỳ vọng của thị trường kể từ quí 2. Trong suốt thời kỳ đại dịch, thiết bị bảo hộ cá nhân và các sản phẩm công nghệ hỗ trợ làm việc từ xa trở thành các trụ cột hỗ trợ cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc, giúp nước này gia tăng thị phần thương mại trên toàn cầu.

Thặng dư thương mại toàn cầu của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm nay đạt 460 tỉ đô la, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái. “Xuất khẩu của Trung Quốc bùng nổ là một trong những bất ngờ kinh tế lớn nhất trong năm”, nhà kinh tế Zhou Hao ở Ngân hàng Commerzbank, nói.

Được hưởng lợi nhờ kiểm soát dịch sớm

Các nhà xuất khẩu Trung Quốc được hưởng lợi nhờ nền kinh tế tái mở cửa tương đối sớm sau khi Bắc Kinh tuyên bố khống chế thành công đại dịch Covid-19 từ hồi tháng 3, trong khi đó, các đối thủ nước ngoài vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát dịch

Các nhà phân tích ở Ngân hàng Nomura nhận định xuất khẩu của Trung Quốc được hỗ trợ nhờ nhu cầu mạnh mẽ ở thị trường nước ngoài đối với thiết bị bảo hộ cá nhân và các sản phẩm điện tử hỗ trợ làm việc từ xa cũng như nhu cầu hàng hóa phục vụ mùa mua sắm Giáng sinh.

“Chúng tôi tin rằng tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc có thể duy trì ở mức cao thêm nhiều tháng nữa do tình hình dịch bệnh Covid-19 trầm trọng ở ngoài biên giới Trung Quốc”, báo cáo của Ngân hàng Nomura cho biết. Tuy nhiên, các nhà phân tích của Nomura lưu ý rằng có một số dấu hiệu cho thấy nhu cầu các hàng hóa liên quan đến đại dịch đang chùng xuống.

Cơn bùng nổ mua sắm tủ lạnh, lò vi sóng của các hộ gia đình ở các nước phương Tây đang trong thời kỳ phong tỏa giúp cỗ máy sản xuất Trung Quốc phục hồi nhanh chóng. “Xuất khẩu duy trì mạnh mẽ nhờ nhu cầu tăng vọt của bên ngoài đối với các mặt hàng tiêu dùng sản xuất ở Trung Quốc như các sản phẩm điện tử. Xuất khẩu các mặt hàng khác của Trung Quốc vẫn yếu hơn”, nhà kinh tế Julian Evans-Pritchard ở Công ty tư vấn Capital Economics, nhận xét.

Dù nhập khẩu của Trung Quốc tăng yếu hơn kỳ vọng, nhà kinh tế Louis Kuijs ở Oxford Economics cho rằng nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng sang năm 2021 nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ, đặc biệt là hàng hóa sản xuất (hàng hoá được các công ty sử dụng để sản xuất ra các mặt hàng khác).

Louis Kuijs cũng báo triển vọng xuất khẩu khả quan của Trung Quốc trong năm 2021 nhờ đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ông cho rằng mức tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ kém ấn tượng hơn một khi vaccine ngừa Covid-19 được triển khai tiêm chủng rộng rãi trên toàn cầu, làm giảm các biện pháp giãn cách xã hội, kéo theo sự suy giảm nhu cầu hàng hóa liên quan đến dịch bệnh.

 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Capital Economics   Covid   Covid-19   Trung Quốc   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...